Sửa đổi Thông tư 30, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không còn “mặt cười, mặt mếu”
Tại Hội nghị góp ý, sửa đổi Thông tư 30 và mô hình
trường học mới tổ chức tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân
Nhạ khẳng định, sẽ sửa ngay Thông tư này theo hướng không đánh giá chung chung
theo kiểu “có tiến bộ” hoặc “mặt cười, mặt mếu”.
Bộ trưởng Nhạ yêu cầu thông tư phải xây dựng một số tiêu chí để giáo
viên làm căn cứ đánh giá, nhận xét học sinh. Phần học sinh nhận xét lẫn
nhau cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Ông Nhạ khẳng định: “Sau khi sửa xong bộ sẽ
gửi các sở tham giảo, cho ý kiến rồi mới ký và thực hiện ngay trong năm
học mới”.
Bộ tiếp tục đổi mới, thực hiện Thông tư 30 trên tinh thần giảm tải
cho giáo viên, gây hứng khởi cho học sinh. “Sau này không quá cầu toàn
đánh giá hàng ngày mà đánh giá hàng tháng hoặc 3 tháng để tổng hợp từng
khía cạnh, năng lực của học sinh. Bộ ra chương trình khung, ngoài ra tạo
điều kiện cho giáo viên có sự sáng tạo, linh hoạt khi đánh giá, nhận
xét”, ông Nhạ nói.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học nêu những hạn chế
như: Giáo viên quá coi trọng việc ghi đánh giá, nhận xét vào sổ theo dõi
chất lượng dẫn đến không có thời gian đầu tư nghiên cứu, giảng dạy;
hiểu sai khái niệm đánh giá thường xuyên trên lớp và đánh giá định kỳ;
nhiều giáo viên nhận xét rập khuôn; học sinh học dốt hơn; không có sự
cạnh tranh trong học tập; tiêu chí khen thưởng không rõ…
Ông Định ví dụ, khen thưởng theo “Thông tư 30 yêu cầu học sinh nổi
trội mặt nào thì được khen thưởng mặt đó, rất cụ thể, rõ ràng. Vậy
nhưng, có trường ở Hà Nội ghi là “Giấy khen từng mặt” thì thiếu trách
nhiệm quá”, ông Định nói.
Thay đổi lớn nhất của sửa đổi thông tư lần này là việc bỏ sổ theo dõi
chất lượng thay vào đó là bản tổng hợp nhằm giảm tải cho giáo viên.
Trước đây, giáo viên phải ghi chép đánh giá, nhận xét thường xuyên hàng
tuần, hàng tháng vào sổ theo dõi chất lượng, nay giáo viên được quyền
chủ động ghi vào bản tổng hợp cuối kỳ. Ngoài ra, thông tư sửa đổi cũng
làm rõ khái niệm đánh giá định kỳ môn học, tiêu chí khen thưởng…
VNEN triển khai quá nhanh, máy móc, lệch lạc
Về mô hình trường học mới (VNEN), theo Bộ trưởng Nhạ, đây là phương
thức dạy học mới được đánh giá tốt. Tuy nhiên, thời gian qua mô hình
triển khai quá nhanh ở nhiều địa phương. Khi thực hiện quá nhanh, chỗ áp
dụng máy móc, chỗ lại có sáng tạo đến lệch lạc trong điều kiện cơ sở
vật chất không đồng bộ nên dẫn đến có những ý kiến trái chiều.
Trong khi, triển khai một mô hình mới cần phải chọn nơi hướng dẫn,
làm mẫu, đánh giá trước. Chưa kể, vẫn còn nhiều ý kiến, một lớp đang học
chương trình đại trà lại chuyển sang chương trình VNEN thì thi lớp 10
theo chương trình nào vẫn chưa có câu trả lời. Bộ trưởng khẳng định tiếp
tục ủng hộ sự tiến bộ, tích cực của mô hình trường học mới nhưng phải
có hướng dẫn mới.
Báo cáo về việc sửa đổi hạn chế của mô hình trường học mới, Vụ
trưởng Vụ Giáo dục THPT ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, khó khăn đầu tiên là
sĩ số lớp học nhiều nơi quá đông. Nhận thức giáo viên không rõ bản chất
của mô hình nên thực hiện rập khuôn, máy móc. Ghi nhận xét không chuẩn
dẫn đến chuyện thầy cô lấy thước cũ đo vấn đề mới.
Góp ý vào mô hình trường học mới, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thái
Bình cho rằng, cần được chuẩn bị kỹ về đội ngũ, không chạy theo phong
trào.
Nguyễn Hà
Theo Báo Tiền phong