Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục


Nguyễn Bá Ninh
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống trường, lớp các cấp học liên tục được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; quy mô học sinh, giáo viên (GV) không ngừng tăng qua các năm; chất lượng giáo dục từng bước ổn định và nâng cao. Triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đạt hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học từng bước được đẩy mạnh. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hàng năm tăng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), GV được triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chất lượng giáo dục vùng núi, vùng khó khăn vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ GV, nhân viên các cấp học còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu các môn học; một số ít GV còn hạn chế về năng lực chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT. Nội dung, chương trình giáo dục phổ thông luôn thay đổi, để cập nhật những kiến thức mới đòi hỏi phải thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Năm học 2015-2016, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành GD&ĐT là 10.359 người đảm nhận quản lý và giảng dạy cho 131.278 học sinh thuộc 324 cơ sở giáo dục. Trong đó, GV cấp Mầm non 1.760 người, có trình độ đạt chuẩn theo quy định là 99,3%, trên chuẩn 62,1%; Tiểu học 3.075 người, đạt chuẩn 99,3%, trên chuẩn 92,5%; THCS 2.106 người, đạt chuẩn 99,8%, trên chuẩn 73,3%; THPT 994 người, đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 11,0%.

Như vậy, để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD đạt chuẩn theo các quy định hiện hành, đồng thời từng bước nâng cao chuẩn hóa trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Từ nay đến năm 2020, toàn ngành GD&ĐT triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CB, GV và toàn xã hội về vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD có chất lượng cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, tận tụy với nghề nghiệp, làm trụ cột thực hiện các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đồng thời, tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan QLGD.

Thứ hai, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành tự đào tạo, bồi dưỡng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường giúp đội ngũ nhà giáo và CBQLGD có ý thức tự học mọi lúc, mọi nơi, qua thực tiễn công tác để đúc rút những bài học cho bản thân.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ quản lý, GV theo quy định, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý nhà nước, quản trị trường học và nâng cao trình độ lý luận chính trị đối với đội ngũ CBQL trong toàn ngành. Phối hợp với các trường đại học mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ CB, GV.

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV và các cơ sở giáo dục, đặc biệt là thực hiện tốt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho GV; phát huy tối đa tiềm lực từ các đề án, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục xây dựng nhà công vụ, phòng học bộ môn và các thiết bị phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ năm, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD, làm tốt công tác quy hoạch CBQL của ngành. Phối hợp với các trường đại học, học viện đào tạo, bồi dưỡng CBQL theo nhu cầu thực tiễn và phù hợp với quy hoạch phát triển GD, ĐT của tỉnh.

Thứ sáu, xây dựng quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng nhà giáo và CBQLGD. Rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ GV toàn ngành và có giải pháp như: Đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, bố trí công việc khác phù hợp với khả năng của bản thân.

Thứ bảy, hoàn thiện các cơ chế quản lý, định mức lao động, chính sách, chế độ đối với nhà giáo và CBQLGD. Tham mưu ban hành những cơ chế chính sách thu hút, động viên người có trình độ chuyên môn cao, nhà giáo, CBQLGD có học hàm, học vị về công tác tại các cơ sở giáo dục của tỉnh.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận và sự tham gia của toàn xã hội trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD theo tinh thần Chỉ thị số 40/CT-TW, ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương.

Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới, ngành GD&ĐT cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đội ngũ nhà giáo và CBQLGD có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, tạo bước chuyển biến nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục tỉnh nhà phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phấn đấu thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 9915
  • Trong tuần: 29890
  • Tất cả: 7820756